Thứ Ba, tháng 8 28, 2007

Kỹ thuật - Khái niệm về dòng điện xoay chiều

CÁC LOẠI DÒNG ĐIỆN: phân loại theo chiều và trị số.

  1. Dòng điện một chiều là dòng điện có trị số và chiều không thay đổi theo thời gian.
  2. Dòng điện xoay chiều là dòng điện có trị số và chiều thay đổi theo thời gian.
  3. Dòng điện mạch động là dòng điện không thay đổi chiều, nhưng lại biến đổi trị số như dòng điện xoay chiều.
Đối với dòng điện xoay chiều, các điện tử chuyển động đổi chiều trong dây dẫn liên tục, vì tốc độ của điện tử thì chậm, cho nên chúng không chuyển dịch được nhiều, theo chiều dọc của dây dẫn, nhưng vẫn có tác dụng lên vật tiêu thụ điện (tương tự như dòng điện một chiều).

TRỊ SỐ TỨC THỜI:
Trị số của hiệu điện thế (còn gọi là điện áp) tại thời điểm nhất định nào đó, được gọi là hiệu điện thế tức thời (hay điện áp tức thời). Tương tự, cũng có tên gọi cường độ dòng điện tức thời (hay dòng điện tức thời), sức điện động tức thời.

Trên thực tế, chúng ta thường gặp (ở nhà, ở trường, ở văn phòng, …) và sử dụng dòng điện xoay chiều biến đổi theo qui luật hình Sin. Người ta gọi đó là dòng điện xoay chiều hình sin, hoặc dòng điện hình sin, hoặc dòng điện xoay chiều. Từ đây, chúng ta qui ước: chỉ nói đến dòng điện hình sin.


TRỊ SỐ HIỆU DỤNG
của điện áp xoay chiều thì bằng trị số biên của điện áp xoay chiều chia cho căn bậc 2 của 2. Tương tự, trị số hiệu dụng của cường độ dòng điện xoay chiều thì bằng trị số biên của cường độ dòng điện xoay chiều chia cho căn bậc 2 của 2.

Các dụng cụ, máy đo điện xoay chiều thì thường khắc mặt số theo trị số hiệu dụng của điện áp (hay cường độ dòng điện). Vì vậy, khi ta dùng máy đo điện áp xoay chiều để đo điện áp ở ổ cắm điện, ta sẽ đọc được trị số hiệu dụng của điện áp xoay chiều tại ổ cắm điện đó.


CHU KỲ CỦA DÒNG ĐIỆN XOAY CHIỀU
là một đại lượng quan trọng, đặc trưng cho dòng điện xoay chiều, nó cho biết quảng thời gian ngắn nhất để lặp lại chiều và trị số. Đơn vị của chu kỳ là giây (s), hoặc bằng đơn vị nhỏ hơn giây: mili-giây (ms), micro-giây (µs), nano-giây (ns).

TẦN SỐ:
là số chu kỳ trong 1 giây, đơn vị là Hz (để tỏ lòng kính trọng nhà vật lý người Đức Hertz). Tần số của điện áp ở Việt Nam là 50Hz. Hầu hết các quốc gia sử dụng tần số của điện áp là 50Hz, các quốc gia khác sử dụng tần số của điện áp là 60Hz. Nhật là quốc gia sử dụng tần số 50Hz cho nửa đất nước và 60Hz cho nửa còn lại. Những nước tiếp giáp hoặc gần với Việt Nam cũng sử dụng tần số 50Hz.

PHA
là trạng thái của dòng điện xoay chiều trong những thời điểm riêng biệt. Các dòng điện xoay chiều khi đã cùng tần số, chúng cũng có thể khác nhau về pha, gọi là lệch pha (nhanh pha, hoặc chậm pha so với nhau). Trong kỹ thuật, người ta thường thiết kế cho có sự lệch pha trong một động cơ điện, để làm quay trục của động cơ đó.

Khi chuẩn bị đi du học, du lịch, …qua quốc gia khác, các em cần quan tâm đến tần số, điện áp và kể cả kiểu ổ cắm điện có phù hợp với thiết bị điện mang theo hay chưa.

Không có nhận xét nào: